GEARLAUNCH Blogs

LIVE SHOPPING LÀ GÌ VÀ BẠN CÓ NÊN BƯỚC VÀO SÂN CHƠI NÀY KHÔNG?

October 1, 2022

Live shopping (mua sắm trực tiếp) là sự kết hợp giữa shopping (mua sắm) và livestream (phát trực tiếp). Đây là một phiên bản hiện đại hơn của mạng lưới home shopping (mua sắm tại nhà). Điểm khác biệt ở đây là hình thức livestream có khả năng tạo ra trải nghiệm tương tác cao hơn hẳn nhờ vào các mạng xã hội. Đây là hình thức mua sắm đề cao trải nghiệm hơn là những cú nhấp chuột “Thêm vào giỏ hàng” đơn điệu.

Trung Quốc đã bắt đầu cuộc chơi từ rất lâu rồi

Từ lâu Trung Quốc đã dùng live shopping để giới thiệu nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau. Trên thực tế, live shopping đã trở nên phổ biến đến mức khoảng 617 triệu người đã tham gia vào hình thức mua sắm này.

Hình thức này có thể thu về mức lợi nhuận khủng như hiện nay là nhờ vào những influencer (người có tầm ảnh hưởng). Sở dĩ những influencer có thể thu hút đông đảo người xem trong các livestream của họ là vì họ biết tạo ra tính chất giải trí cho các buổi phát sóng của mình. Họ khiến cho những buổi livestream bán hàng của mình trở thành những chương trình được mọi người mong chờ thay vì chỉ vì mục đích thương mại đơn thuần.

Live shopping ở Mỹ

Live shopping vẫn chưa thật phổ biến ở Mỹ. Tuy vậy, đây chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Facebook đang khuyến khích live shopping thông qua Live Shopping Fridays. Trong vòng 3 tháng, bắt đầu vào tháng 5 năm 2021, những công ty tên tuổi như Sephora and Abercrombie & Fitch đã có những buổi livestream dành cho khách hàng của mình.

Mục đích là để giao lưu, thảo luận về các xu hướng và quảng bá sản phẩm của họ.

Walmart đã bắt đầu livestream trên TikTok và chứng kiến số lượng người theo dõi tăng thêm 25%.

Bạn có nên thử sức ở sân chơi mới này?

Sao lại không!

Bạn nên bắt đầu thực hành và xây dựng cơ sở khách hàng ngay từ bây giờ, trước khi những người khác nhanh tay thực hiện trước. Đây là một cách tuyệt vời để trở nên nổi bật hơn so với các đối thủ của bạn và khuyến khích hành vi mua hàng tự phát của khách hàng.

Thêm vào đó, lượng chuyển đổi của bạn cũng sẽ tăng lên khi bạn đồng hành cùng với khách hàng của mình trên hành trình mua hàng của họ.

Cách để bắt đầu

Để giúp bạn làm quen và vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chúng tôi đã chuẩn bị các nguyên tắc để có một buổi livestream thành công.

Biết rõ khách hàng của bạn

Bạn hẳn là đã biết rõ về đối tượng khách hàng của mình rồi đúng không? Nếu chưa thì hãy tìm hiểu kỹ về họ trước khi chính thức livestream nhé.

Bạn có biết khách hàng của mình là ai không? Họ thuộc độ tuổi nào? Đâu là những sản phẩm mà họ thích nhất?

Vì sao bạn phải livestream?

Bạn cần phải chuẩn bị mọi thứ đâu vào đấy trước khi chính thức livestream. Tuy thiết sót là điều khó tránh khỏi, nhưng thiếu chuẩn bị sẽ khiến bạn trở nên kém chuyên nghiệp đấy.

Bạn cần đặt ra mục tiêu cho mỗi lần lên sóng. Có sản phẩm hay thiết kế cụ thể nào mà bạn muốn giới thiệu không? Bạn có ý định “hồi sinh” một dòng sản phẩm đã trôi vào quên lãng ư? Hay bạn muốn giới thiệu về sản phẩm hoặc thiết kế mới của mình? Bạn mong muốn hiểu rõ hơn về khách hàng?

Có những điều bạn cần nhận thức rõ trước khi bắt đầu lên sóng. Bằng cách trả lời những câu hỏi trên, bạn sẽ định hình được buổi livestream của mình sẽ diễn ra như thế nào. Nhờ đó, bạn cũng có thể viết ra kịch bản chung hoặc lời thoại để quá trình phát sóng của mình diễn ra suôn sẻ hơn.

Chọn đúng vị trí và công cụ

Hãy chọn một vị trí gọn gàng và sáng sủa. Chắc hẳn bạn muốn mọi người nhìn rõ mình đúng không nào? Đồng thời, hãy đảm bảo đó là nơi yên tĩnh để khách hàng có thể nghe rõ những gì bạn nói.

Tripod và đèn vòng chính là những trợ thủ đắc lực của bạn. Nếu bạn cảm thấy background của mình không tươm tất thì hãy treo một tấm backdrop hoặc một tấm vải lên để tạo background.

Chuẩn bị sẵn sàng sản phẩm của bạn

Bạn không thể nào tổ chức một buổi livestream mà lại không có sản phẩm trong tay! Không có gì phải hốt hoảng cả, việc đặt sản phẩm mẫu để giới thiệu đơn giản hơn bạn nghĩ đấy.

Bạn có hai lựa chọn.

Đầu tiên là tạo một chiến dịch với thiết kế mà bạn mong muốn. Đừng thêm tag “Mặt tiền cửa hàng” vào nhé. Tiếp theo, đặt mức lợi nhuận ở mức $0, và sau đó mua một món hàng. Bạn sẽ chỉ cần trả giá gốc của mặt hàng đó cùng phí vận chuyển mà thôi.

Lựa chọn còn lại là tạo mã khuyến mãi để trừ đi chi phí từ tổng lợi nhuận của chiến dịch đó. Sử dụng mã khuyến mãi đó để mua hàng. Thêm “pr=CODE” vào cuối đường dẫn URL khi bạn truy cập chiến dịch. Cũng vậy, bạn sẽ chỉ phải trả giá gốc của mặt hàng đó cùng phí vận chuyển.

Tương tự như khách hàng của mình, bạn nên để ý đến việc vận chuyển nhé. Nếu bạn đặt hàng vào những mùa cao điểm như mùa Giáng Sinh thì bạn sẽ phải nhận hàng lâu hơn bình thường đấy. Vì vậy hãy tính toán đặt hàng sao cho nhận được hàng kịp lúc quay livestream quảng cáo sản phẩm.

Cố gắng giữ sự nhất quán

Sự nhất quán sẽ giúp bạn có được những người theo dõi trung thành bởi vì họ sẽ biết khi nào bạn lên sóng. Vì vậy hãy cố gắng sắp xếp lên sóng vào những khung thời gian cố định.

Hãy quảng bá thật rộng rãi!

Hãy tạo ra sự phấn khích trước mỗi lần bạn lên sóng. Mạng xã hội, email và những phương thức khác chính là phương tiện đầy hiệu quả để bạn thông báo đến khách hàng của mình. Đừng quên mời mọi người theo dõi trang của bạn để nhận được những thông báo mới nhất.

Bạn có cần đến một influencer không?

Không cần đâu! Bạn không nhất thiết phải cần đến một influencer để tạo nên sự thành công của buổi livestream. Tuy vậy, nếu bạn biết bất kỳ influencer nào sở hữu lượng fan hùng hậu, và có sự quan tâm đến sản phẩm của bạn, thì hãy mời họ về lên sóng giúp bạn.

Đừng quên rằng cá tính và thái độ của bạn mới là thứ giúp bạn ghi điểm với người xem. Thay vì chỉ chăm chăm bán sản phẩm, hãy giao lưu và tạo niềm vui cho họ. Khi khách hàng đã yêu mến bạn, họ sẽ “cam tâm tình nguyện” mua sản phẩm của bạn.

Đừng vì cố làm mọi thứ thật hoàn hảo ngay từ đầu để rồi cảm thấy hốt hoảng nhé. Bạn đâu phải là một chú robot chỉ biết nhả chữ, đôi khi một vài vấp váp và chút bối rối của bạn sẽ khiến người xem cảm thấy được sự chân thành và chân thật của bạn. Giới trẻ rất tinh ý, và họ sẽ dựa vào tính chân thật để quyết định mua hàng.

Khi bạn tạo được niềm tin thì tự khắc mọi người sẽ theo dõi và mua hàng của bạn. Mọi người có xu hướng mua hàng từ một người mà họ tin tưởng hơn là từ một người bán hàng xa lạ nào đó.

Hãy đảm bảo rằng bạn biết khách hàng đang tìm kiếm điều gì. Bạn có thể thu thập thông tin bằng cách đặt ra các câu hỏi trên mạng xã hội, “nhá hàng” một vài hình ảnh sản phẩm để xem phản ứng, và tạo một cuộc thăm dò ý kiến trước khi bắt đầu lên sóng. Qua đó, bạn sẽ biết mình cần làm gì để thu hút được sự chú ý của khách hàng.

Trong lúc livestream

Cách để bán được hàng

Có lẽ bạn vẫn chưa thật sự hình dung được mình sẽ bán hàng như thế nào. Nhưng bạn cũng không thể cứ cầm sản phẩm lên và nói: “Mua đi!” một cách trắng trợn như vậy được.

Điều bạn cần làm là trưng ra sản phẩm. Nếu bạn bán quần áo, thì ngại gì mà không làm mẫu luôn! Khi quần áo được ướm lên người thật, thì khách hàng sẽ dễ hình dung được họ sẽ trông như thế nào trong những bộ quần áo này của bạn. Nhờ đó, tỷ lệ chốt đơn của bạn sẽ tăng lên đáng kể.

Đối với những sản phẩm thuộc danh mục đồ trang trí nhà cửa, thì bạn cần trưng bày và giới thiệu một số chi tiết của sản phẩm. Nếu bạn có một chiếc gối thì hãy nhấn vào nó để chứng minh cho khách hàng thấy độ mềm mại của sản phẩm .

Hãy thoải mái và tận dụng cá tính của mình để tạo ra nét bán hàng mang chất riêng của bạn.

Hãy đảm bảo rằng bạn trả lời tất cả các câu hỏi mà người xem đưa ra, hoặc điều chỉnh góc nhìn của sản phẩm nếu được yêu cầu. Mục đích của bạn là tạo được sự thân thiện và gần gũi khi tiếp xúc với khách hàng để mang lại cảm giác hài lòng cho họ.

Ngoài bán hàng ra thì bạn cần phải làm gì?

Như chúng tôi đã đề cập đến ở đầu bài viết này, bạn không nên chỉ chăm chăm bán sản phẩm khi livestream. Bạn cần phải tận dụng cơ hội để tương tác với khách hàng của mình.

Vậy ngoài việc nói về sản phẩm của mình ra thì bạn cần phải làm gì?

Nếu bạn đang trong quá trình tạo ra một thiết kế thì hãy chia sẻ về điều này. Bạn có thể hỏi ý kiến người xem về chủng loại sản phẩm hoặc thiết kế mà họ muốn xem.

Nói chuyện với khán giả của bạn

Sức hút lớn nhất của live shopping là việc khách hàng được thoải mái tương tác. Vì vậy, bạn hãy tích cực trò chuyện và trả lời những câu hỏi mà họ đưa ra. Hãy khuyến khích họ tham gia bình luận và thả emoji khi xem live stream.

CTA trong khi phát sóng

Bạn cần phải có những lời kêu gọi hành động đặc biệt dành riêng cho những lần lên sóng của mình. Một ví dụ tuyệt vời là hãy chuẩn bị một chiếc đồng hồ đếm ngược. Bạn có thể đếm ngược cho đến khi sản phẩm xuất hiện, hoặc giới hạn thời gian mà mọi người có thể mua được sản phẩm đó.

Ngoài ra, bạn có thể tặng mã ưu đãi giảm giá chỉ có hiệu lực trong buổi livestream. Hãy cho nói cho khán giả của bạn biết mã giảm giá và nhấn mạnh rằng chúng chỉ có hiệu lực khi bạn lên sóng.

Sau khi lên sóng

Khi đóng camera lại, không có nghĩa là bạn đã xong việc rồi đâu. Sau buổi livestream, hãy kiểm tra công cụ phân tích của bạn. Có bao nhiêu người đã xem? Thời gian theo dõi của họ là bao lâu? Sản phẩm nào bán được nhiều nhất? Bạn cần khắc phục những điểm nào để lần lên sóng tiếp theo đạt kết quả tốt hơn?

Livestream trên các nền tảng khác nhau

Có rất nhiều phương thức livestream khác nhau mà bạn có thể sử dụng. Mạng xã hội chắc chắn là nơi đầu tiên mà bạn phải nghĩ đến, vì cơ sở khách hàng của bạn đã có sẵn ở đây rồi. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số phần mềm khác, nhưng bạn sẽ phải trả phí hàng tháng hoặc trả theo phần trăm doanh số của mình.

Với những người mới bắt đầu, thì cách tốt nhất vẫn là sử dụng các công cụ miễn phí. Dưới đây là những nền tảng mạng xã hội có cung cấp hướng dẫn livestream chi tiết cho bạn:

Live shopping có đáng để bạn phải bỏ công sức ra không?

Câu trả lời hoàn toàn tùy thuộc vào bạn và mục tiêu mà cửa hàng của bạn hướng đến. Nếu bạn cảm thấy doanh thu của mình đang “dậm chân tại chỗ” và không biết làm thế nào để cải thiện tình hình, thì live shopping có thể là “cứu tinh” của bạn.

Bạn ghét phải “trình diễn” trước mọi người ư? Vậy thì bạn phải tìm giải pháp khác rồi. Nếu bạn cảm thấy quá căng thẳng thì cách này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn mà còn khiến cho livestream của bạn đạt kết quả rất thấp.

Hãy nhớ rằng bạn vẫn luôn có cơ hội để thử, và nếu bạn cảm thấy mọi việc không đi đến đâu thì hãy dừng lại. Lúc ấy, hãy thông báo cho khách hàng của bạn biết nhé.